Từ ngày 21/11/2021, sau tuần đầu tiên áp dụng hóa đơn điện tử theo Nghị định 123/2020/NĐ-CP và Thông tư 78/2021/TT-BTC tại 06 tỉnh thành phố, nhiều doanh nghiệp, người nộp thuế gặp vướng mắc khi xuất hóa đơn lùi ngày khi dùng hóa đơn điện tử theo Nghị định 123.
Bắt nguồn từ quy định chuyển dữ liệu hóa đơn điện tử lên cơ quan thuế khi thực hiện thủ tục xuất hóa đơn và nguy cơ có thể bị xử phạt vi phạm hành chính nếu chuyển dữ liệu chậm, nhiều doanh nghiệp thắc mắc nếu xuất hóa đơn lùi ngày đồng nghĩa với việc hóa đơn chuyển lên cơ quan thuế bị chậm so với ngày hóa đơn không?
1. Quy định về thời điểm xuất hóa đơn theo Nghị định 123
Tại Điều 9 Nghị định 123 quy định về thời điểm lập hóa đơn như sau:
- Thời điểm lập hóa đơn đối với bán hàng hóa (bao gồm cả bán tài sản nhà nước, tài sản tịch thu, sung quỹ nhà nước và bán hàng dự trữ quốc gia): Là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hàng hóa cho người mua, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.
- Thời điểm lập hóa đơn đối với cung cấp dịch vụ: Là thời điểm hoàn thành việc cung cấp dịch vụ không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.
Trường hợp người cung cấp dịch vụ có thu tiền trước hoặc trong khi cung cấp dịch vụ thì thời điểm lập hóa đơn là thời điểm thu tiền (không bao gồm trường hợp thu tiền đặt cọc hoặc tạm ứng để đảm bảo thực hiện hợp đồng cung cấp các dịch vụ: kế toán, kiểm toán, tư vấn tài chính, thuế; thẩm định giá; khảo sát, thiết kế kỹ thuật; tư vấn giám sát; lập dự án đầu tư xây dựng).
Ngoài ra, một số trường hợp cụ thể có quy định về thời điểm lập hóa đơn khác nhau.
Xuất hóa đơn lùi ngày là nhu cầu của nhiều doanh nghiệp (Ảnh minh họa)
2. Quy định chuyển dữ liệu hóa đơn điện tử lên cơ quan thuế
Tiếp đó, Nghị định 123 quy định về chuyển dữ liệu hóa đơn lên cơ quan thuế theo 2 hình thức:
- Đối với hóa đơn điện tử có mã của cơ quan Thuế: doanh nghiệp, người nộp thuế sau khi nhập liệu, xuất hóa đơn sẽ thực hiện ký số và gửi hóa đơn lên cơ quan Thuế để cấp mã, sau đó gửi hóa đơn cho người mua.
- Đối với hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan Thuế: thực hiện chuyển dữ liệu hóa đơn điện tử cho cơ quan Thuế theo 2 phương thức:
+ Chuyển dữ liệu hóa đơn điện tử theo Bảng tổng hợp dữ liệu hóa đơn điện tử theo Mẫu số 01/TH-HĐĐT Phụ lục IA ban hành kèm theo Nghị định 123. Nộp cùng thời hạn nộp hồ sơ khai thuế giá trị gia tăng (theo Tháng hoặc Quý), áp dụng với một số doanh nghiệp loại hình kinh doanh đặc thù có số lượng hóa đơn lớn.
+ Chuyển đầy đủ nội dung hóa đơn áp dụng đối với trường hợp bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ:
Người bán sau khi lập đầy đủ các nội dung trên hóa đơn gửi hóa đơn cho người mua và đồng thời gửi hóa đơn cho cơ quan thuế (chậm nhất là trong cùng ngày gửi cho người mua).
3. Ngày hóa đơn khác ngày ký số có hợp lệ?
Tại Khoản 9, Điều 10 Nghị định 123 có nêu:
Thời điểm ký số trên hóa đơn điện tử là thời điểm người bán, người mua sử dụng chữ ký số để ký trên hóa đơn điện tử được hiển thị theo định dạng ngày, tháng, năm của năm dương lịch. Trường hợp hóa đơn điện tử đã lập có thời điểm ký số trên hóa đơn khác thời điểm lập hóa đơn thì thời điểm khai thuế là thời điểm lập hóa đơn
Theo quy định trên, có thể hiểu rằng hóa đơn với ngày hóa đơn khác với ngày ký số hóa đơn vẫn hợp lệ.
Mặt khác, theo tìm hiểu của chúng tôi thì hiện tại khi xuất hóa đơn theo Nghị định 123, doanh nghiệp vẫn có thể ghi Ngày hóa đơn là ngày trong quá khứ (lùi ngày) và thực hiện gửi lên cơ quan thuế để cấp mã bình thường (với hóa đơn có mã cơ quan thuế). Điều này có thể cho thấy hệ thống được thiết kế để phù hợp với quy định nêu trên.
4. Mức phạt nếu chuyển dữ liệu hóa đơn điện tử lên cơ quan thuế chậm
Bên cạnh đó, tại Điều 30 Nghị định 125/2020/NĐ-CP về xử phạt hành vi vi phạm về chuyển dữ liệu hóa đơn điện tử có đưa ra các mức xử phạt vi phạm hành chính nếu doanh nghiệp chậm chuyển hoặc không chuyển dữ liệu hóa đơn đến cơ quan thuế.
Với quy định này, nếu căn cứ vào Ngày hóa đơn để tính chuyển dữ liệu chậm thì đối với các hóa đơn xuất lùi ngày sẽ bị tính chậm từ 1 đến nhiều ngày (tùy thuộc vào số ngày xuất lùi). Nếu căn cứ vào Ngày ký số để tính chuyển chậm thì rủi ro sẽ thấp hơn rất nhiều.
Về mặt logic, đối chiếu với nội dung của mục 3 ở trên: Hóa đơn với Ngày hóa đơn khác với Ngày ký số hóa đơn vẫn hợp lệ thì căn cứ để tính thời điểm chuyển dữ liệu chậm là dựa vào Ngày ký số hóa đơn.
Trường hợp doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế sẽ có rủi ro chuyển dữ liệu chậm đến cơ quan thuế cao hơn. Với hóa đơn điện tử có mã đã thực hiện gửi đến cơ quan thuế để cấp mã ngay sau khi xuất hóa đơn.
5. Nhu cầu xuất hóa đơn lùi ngày của doanh nghiệp
Đứng trên phương diện của doanh nghiệp, người nộp thuế thì việc xuất hóa đơn lùi ngày là không hẳn là cố tình vi phạm quy định, mà có thể do những nguyên nhân chủ quan và khách quan không tránh khỏi trong quá trình xuất hóa đơn:
- Số lượng hóa đơn nhiều, xuất liên tục trong ngày kể cả nửa đêm, ngoài giờ nên có thể phát sinh hóa đơn xuất không đúng ngày, bị chuyển sang ngày hôm sau.
- Kế toán, người phụ trách xuất hóa đơn bị ốm đau, sự cố bất khả kháng không thực hiện xuất hóa đơn được.
- Chữ ký số thực hiện ký hóa đơn bị mất, hỏng, lỗi phải mất thời gian làm thủ tục cấp lại.
Tạm kết
Về nguyên tắc, doanh nghiệp và người nộp thuế cần cập nhật các chính sách liên quan về hóa đơn, hóa đơn điện tử và tham vấn cơ quan thuế quản lý về các vướng mắc để thực hiện xuất đúng thời điểm, đúng quy định.
Bên cạnh đó, cần có hướng dẫn của cơ quan thuế để giúp cho doanh nghiệp hiểu đúng và thực hiện đúng theo quy định, tránh trường hợp mỗi doanh nghiệp hiểu một kiểu đối với cùng một nội dung dẫn đến thực hiện sai.
Việc công khai, minh bạch và kịp thời giải đáp vướng mắc từ cơ quan thếu sẽ giúp cho doanh nghiệp, người nộp thuế yên tâm thực hiện chuyển đổi áp dụng hóa đơn điện tử theo Nghị định 123 theo kế hoạch của cơ quan thuế đạt kết quả tốt.
Trên đây, chúng tôi đã có những tổng hợp và phân tích liên quan tới những quy định về xuất hóa đơn lùi ngày. Mong rằng thông qua bài viết sẽ giúp các doanh nghiệp cập nhật các chính sách mới về việc xuất hóa đơn đúng quy định và thuận lợi khi chuyển sang sử dụng hóa đơn điện tử theo Nghị đinh 123.
Theo LuatVietnam
Related page content
Thủ tục đăng ký thuế cho hộ kinh doanh 2021 mới nhất
Để có mã số thuế thì hộ gia đình, cá nhân kinh doanh cần chuẩn bị hồ sơ và đăng ký thuế trực tiếp với cơ quan thuế nơi đặt địa điểm kinh doanh. Dưới đây là quy định hướng dẫn đăng ký thuế lần đầu mới nhất theo Thông tư 105.
Thủ tục đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử theo Nghị định 123
Thủ tục đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử theo quy định mới như thế nào là vấn đề các doanh nghiệp đặc biệt quan tâm.
4 điều doanh nghiệp cần biết về hóa đơn điện tử theo Nghị định 123, Thông tư 78
Không ít doanh nghiệp vẫn còn rất mông lung, thắc mắc và lo lắng xung quanh việc áp dụng hóa đơn điện tử theo Nghị định 123/2020/NĐ-CP và Thông tư 78/2021/TT-BTC, đặc biệt là thời điểm áp dụng hóa đơn điện tử.
Cách hủy hóa đơn còn tồn khi dùng hóa đơn điện tử theo Nghị định 123
Khi chuyển đổi sang hóa đơn điện tử theo Nghị định 123, phải xử lý thế nào với số hóa đơn đang còn tồn, gồm cả hóa đơn giấy và hóa đơn điện tử theo quy định cũ