Bài toán “mua đi bán lại con bò” nổi tiếng trên mạng trở thành đề thi kế toán ở một doanh nghiệp, đã đánh bại 50% ứng viên, lời giải thực sự là gì?

Bạn còn nhớ bài toán Con bò từng được tranh cãi sôi nổi trên mạng? Người bán mua bò giá 10 triệu, bán 12 triệu, sau đó mua lại 15 triệu, bán 17 triệu. Hỏi rốt cuộc, anh ta lỗ hay lãi? Bài toán này từng là đề thi phỏng vấn vị trí kế toán của một công ty nhằm đánh giá kiến thức và tư duy của kế toán. Bạn có muốn tìm lời giải thực sự?

Lợi nhuận là khoản chênh lệch giữa doanh thu của doanh nghiệp và chi phí mà doanh nghiệp đó đầu tư vào hoạt động sản xuất để đạt được mức doanh thu ấy. Lợi nhuận được coi là kết quả tài chính cuối cùng của các hoạt động kinh doanh, sản xuất… của doanh nghiệp.

Dòng tiền thuần (Net cash flow) là khoản tiền thu được sau khi trừ đi các khoản chi ra trong doanh nghiệp, bao gồm: dòng tiền từ hoạt động sản xuất kinh doanh, dòng tiền từ hoạt động đầu tư, dòng tiền từ hoạt động tài chính.

Để hiểu rõ về sự khác nhau giữa khái niệm giữa "lợi nhuận""dòng tiền" chúng ta hãy áp dụng vào câu chuyện mua bán bò từng gây tranh cãi nhiều trên mạng. Bài toán tưởng chừng "vỡ lòng" này từng được đưa ra làm đề bài phỏng vấn kế toán.

Bài toán con bò được tranh cãi rất nhiều trên mạng xã hội

Sức hút của bài toán này có lẽ đến từ sự tranh cãi giữa 2 đáp án khác nhau được cư dân mạng đưa ra.

Đáp án 1: Lần mua bán đầu tiên lãi 2 triệu, lần mua bán thứ hai lãi 2 triệu, tổng cộng lãi 4 triệu đồng.

Đáp án 2: Số tiền bỏ ra ban đầu là 10 triệu, sau đó bán được 12 triệu, lãi 2 triệu. Mua bò lần 2 giá 15 triệu, người bán phải bỏ thêm 3 triệu (đang có 12 triệu) tương đương lỗ 3 triệu. Sau đó bán được 17 triệu, lãi 2 triệu. Như vậy, tổng cộng bù trừ lãi 1 triệu đồng.

Câu trả lời của bạn là đáp án nào trong số 2 đáp án trên?

Ở đây, chúng ta có thể áp dụng hai khái niệm "lợi nhuận""dòng tiền" để làm rõ vấn đề.

Lợi nhuận là chênh lệch giữa doanh thu và chi phí. Đơn giản trong trường hợp này là chênh lệch giữa trị giá mua và bán. Hai lần giao dịch mua bán, mỗi lần chênh lệch 2 triệu đồng, nghĩa là tổng cộng người bán bò thu được lợi nhuận là 4 triệu đồng. Điều này hiển nhiên và khá rõ ràng.

Thế nhưng, tại sao đáp án 2 nghe cũng hợp lý?

Chúng ta cùng bóc tách vấn đề của đáp án 2. Chìa khoá của vấn đề là ở đáp án 2 đã không xác định đúng vòng quay của vốn lưu động, lại thêm việc gộp lẫn giữa "lợi nhuận" và "dòng tiền" vào trong một phép tính cộng trừ. Bạn hãy tưởng tượng khi chúng ta cộng trừ thì phải sử dụng cùng hệ quy chiếu, giống như cộng chiều cao của 1 ngôi nhà với chiều dài của 1 cái sân trong ngôi nhà đó thì sẽ nói lên được điều gì?

Vòng quay của vốn lưu động, xuất phát từ tiền, chuyển hoá thành hàng tồn kho (hàng hoá), rồi trở lại thành tiền (bán hàng thu tiền ngay) hoặc qua khoản phải thu rồi mới trở lại thành tiền (nếu bán hàng cho nợ).

Trong loạt giao dịch của người bán bò, vốn lưu động đã quay được 2 vòng Tiền - Hàng (Bò) - Tiền, tương ứng với 2 lần mua bán và tạo ra 2 khoản lợi nhuận được phân biệt rõ ràng. Việc tính nối doanh thu lần này với giá vốn của lần sau chính là lý do "sai một cách hợp lý" của đáp án 2.

Về số "lỗ 3 triệu" khi bán giá 12 triệu và mua lại giá 15 triệu nghe có vẻ hợp lý, nhưng nó là sản phẩm của sự nhập nhằng giữa "lợi nhuận" và "dòng tiền". Lợi nhuận, như đã giải thích ở trên. Còn dòng tiền thuần hiểu một cách đơn giản là chênh lệch giữa Thực Chi bằng tiền và Thực Thu bằng tiền của 1 doanh nghiệp, nếu "Thu" lớn hơn "Chi" dòng tiền dương và ngược lại.

Cụ thể: Với trường hợp bài toán con bò, dòng tiền trong kỳ sẽ được tính như sau:

Chi: 10+15 = 25 triệu đồng

Thu: 12+17 = 29 triệu đồng

Dòng tiền thuần trong kỳ = 29 triệu đồng - 25 triệu đồng, trong trường hợp này bằng đúng lợi nhuận vì đã bỏ ra các yếu tố thay đổi của vốn lưu động như tăng giảm tồn kho, khoản phải thu,.....

Nếu thêm dữ kiện, chẳng hạn lần bán bò thứ 2, bán được giá 17 triệu đồng nhưng người mua nợ lại 5 triệu thì dòng tiền thuần sẽ thay đổi như sau:

Chi: 10+15 = 25 triệu đồng

Thu: 12+12 (do người mua nợ lại 5 triệu) = 24 triệu đồng

Dòng tiền thuần trong kỳ = 24 -25 = -1 triệu đồng.

Bạn thấy đó, lợi nhuận không thay đổi, nhưng sự thay đổi của vốn lưu động đã làm dòng tiền từ dương trở thành âm. Tương tự như vậy, sự thay đổi của những yếu tố khác trong vốn lưu động như hàng tồn kho,.. hoặc những chi phí không bằng tiền như chi phí khấu hao,... sẽ làm thay đổi dòng tiền.

Với báo cáo tài chính của doanh nghiệp, câu chuyện dòng tiền sẽ phức tạp hơn rất nhiều, vì có nhiều yếu tố ảnh hưởng ngoài sự thay đổi của vốn lưu động như hoạt động đầu tư, hoạt động tài chính.

Trên thực tế, bạn cứ thử tìm xem, hầu như sẽ chẳng tồn tại doanh nghiệp nào có hoạt động sơ khai như ông bán bò trong ví dụ để 2 chỉ tiêu lợi nhuận và dòng tiền thuần trong kỳ bằng nhau.

Nhưng hiểu được bản chất sự khác nhau giữa lợi nhuận và dòng tiền, bạn sẽ hiểu được tại sao rất nhiều doanh nghiệp có BCTC lợi nhuận dương, nhưng dòng tiền thuần trong kỳ âm hoặc ngược lại.

Nếu bắt gặp một doanh nghiệp trong kỳ có hoạt động kinh doanh chính LỖ, nhưng trong kỳ dòng tiền DƯƠNG bạn cũng đừng quá sửng sốt. Vì có thể do Doanh nghiệp đó nhận được thêm khoản góp vốn bằng tiền hoặc nhận được khoản vay có giá trị lớn hơn, hoặc thanh lý được 1 tài sản cố định, 1 khoản góp vốn nào đó,....

Người viết đã có thời gian giảng dạy ở một trung tâm đào tạo kế toán và nhận được câu hỏi tình huống như sau: Giám đốc (một công ty gia đình) cộng tay thu chi tiền trong kỳ và nói công ty lãi 500 triệu đồng, trong khi lợi nhuận trên Kết quả hoạt động kinh doanh chỉ có 400 triệu đồng. Giám đốc yêu cầu kế toán giải trình về số chênh lệch, nếu không giải thích được thì kế toán phải bù 100 triệu chênh lệch.

Trên thực tế, ở các công ty vừa và nhỏ, nhất là các doanh nghiệp quy mô gia đình, bản thân nhiều Giám đốc chưa hiểu hết rõ về nghiệp vụ kế toán và bản chất tài chính, không phân biệt được Lợi nhuận và Dòng tiền trên BCTC nên có thể xảy ra những câu chuyện như trên.

Nếu kế toán làm việc theo kiểu "cầm tay chỉ việc", không có sự tư duy độc lập và hiểu bản chất vấn đề thì khi gặp những tình huống như thế này sẽ khó tránh khỏi rơi vào tình trạng lúng túng. Cũng giống như bài toán con bò ở trên khi được đưa ra phỏng vấn kế toán đã đánh bại đến 50% ứng viên.



Theo Câu Chuyện Kinh Doanh /tinnhanh247.net

Related page content

Cách hạch toán và phân bổ chi phí mua hàng (Chi phí vận chuyển, bốc dỡ…)
Cách hạch toán và phân bổ chi phí mua hàng (Chi phí vận chuyển, bốc dỡ…)

Hạch toán và phân bổ chi phí mua hàng như thế nào cho đúng? Mời bạn tham khảo bài viết hướng dẫn sau của các kế toán trưởng tại trung tâm hỗ trợ nghiệp vụ kế toán Bee Accounting phối hợp cùng eHoaDon Online

Những điều Kế toán cần biết về mua hàng không có hóa đơn GTGT và cách xử lý theo thông tư mới nhất
Những điều Kế toán cần biết về mua hàng không có hóa đơn GTGT và cách xử lý theo thông tư mới nhất

Mua hàng không có hóa đơn GTGT có thực sự nguy hiểm trong tất cả trường hợp? Cách xử lý như thế nào để cơ quan Thuế chấp nhận? Bài viết này tóm lược những vấn đề cơ bản và cách giải quyết hiệu quả trong tình huống này

Cách xử lý chi phí vận chuyển, bốc dỡ không có hóa đơn GTGT
Cách xử lý chi phí vận chuyển, bốc dỡ không có hóa đơn GTGT

Để chi phí vận chuyển, bốc dỡ không có hóa đơn GTGT được chấp nhận là chi phí hợp lý của doanh nghiệp, các bạn có thể làm theo hướng dẫn sau của các kế toán trưởng tại trung tâm hỗ trợ nghiệp vụ kế toán Bee Accounting phối hợp cùng eHoaDon Online.

Đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử theo Nghị định 123 dễ dàng với eHoaDon Online
Đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử theo Nghị định 123 dễ dàng với eHoaDon Online

Sau khi Cổng thông tin về hóa đơn điện tử của Tổng cục Thuế chính thức mở, cơ quan thuế sẽ tiến hành gửi thông báo đến các doanh nghiệp thực hiện đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử theo Nghị định 123.

+84-918 501 776