Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đang gấp rút hoàn thiện thông tư hướng dẫn Nghị định 119/2018/NĐ-CP quy định về hoá đơn điện tử (HĐĐT) khi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ để gỡ khó cho doanh nghiệp chuyển đổi.
Việc ban hành Nghị định 119 nhằm nâng cao chất lượng công tác cải cách hành chính và thủ tục quản lý thuế. Ảnh Thuỳ Linh/(HQ Online)
Vướng từ doanh nghiệp
Theo ông Nguyễn Hữu Tân, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách, Tổng cục Thuế, trên cơ sở tham khảo thông lệ quốc tế, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 119/2018/NĐ-CP quy định về HĐĐT khi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ. Việc ban hành Nghị định 119 nhằm nâng cao chất lượng công tác cải cách hành chính và thủ tục quản lý thuế, phục vụ doanh nghiệp được tốt hơn, đặc biệt là thủ tục quản lý, sử dụng hóa đơn, hướng tới hoạt động quản lý hóa đơn thống nhất, dễ thực hiện hơn. Đồng thời, tạo cơ sở pháp lý để nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác quản lý hóa đơn nhằm ngăn chặn việc sử dụng hóa đơn bất hợp pháp, sử dụng bất hợp pháp hóa đơn để gian lận, trốn thuế…
Tuy nhiên, kể từ khi Nghị định 119 được ban hành (tháng 9/2018), đến nay, trong quá trình triển khai còn những vướng mắc nhất định. Đơn cử như tại Hiệp hội Dịch vụ doanh nghiệp logistics Việt Nam có 400 doanh nghiệp trong tổng số 4.000 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics ở Việt Nam. Theo ông Nguyễn Tương, Phó Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, trong số 400 hội viên, có 67% là doanh nghiệp vừa và nhỏ có khó khăn về nguồn vốn, quản lý và ứng dụng khoa học công nghệ, nên sẽ gặp khó khăn trong việc triển khai HĐĐT.
Còn theo bà Nguyễn Hoài Hương, Tổng công ty Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp quốc phòng (GAET), việc thực hiện HĐĐT với doanh nghiệp là giải pháp tháo gỡ khó khăn, phiền hà, nhưng trong quá trình triển khai, mỗi doanh nghiệp lại có những khó khăn riêng. Đối với Tổng công ty Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp quốc phòng, ngoài lĩnh vực đặc thù, còn có lĩnh vực dịch vụ và chi nhánh trải khắp toàn quốc. Do đó, đối tượng khách hàng cũng trải rộng trên nhiều địa phương. Chính vì vậy, vướng mắc lớn nhất của Công ty hiện nay là chữ kỹ số trên HĐĐT có bắt buộc thể hiện ngày ký hay không? Về vấn đề này, GAET đã có văn bản hỏi trực tiếp Tổng cục Thuế nhưng đến nay chưa có văn bản hướng dẫn. Trong khi đó, các chi cục thuế tại địa phương yêu cầu bắt buộc phải thể hiện ngày ký, phát hành chữ ký số.
Theo nhiều ý kiến phản hồi của doanh nghiệp, khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp khi thực hiện theo Nghị định 119 đó là việc dù đã có quy định về thời hạn chuyển đổi sang HĐĐT nhưng đến nay Bộ Tài chính vấn chưa có thông tư hướng dẫn thực hiện việc này. Chính vi vậy, doanh nghiệp đang phải cùng lúc áp dụng theo Thông tư 32/2011/TT-BTC về hướng dẫn thực hiện HĐĐT, từ đó gây chồng chéo và khó khăn.
Sớm có Thông tư hướng dẫn
Hiện, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đang gấp rút hoàn thiện dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 119. Theo Vụ Chính sách, Tổng cục Thuế cho biết, nội dung hóa đơn giấy và HĐĐT cơ bản giống với hướng dẫn tại Thông tư số 39/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính nhưng có bổ sung thêm chỉ tiêu mã của cơ quan thuế đối với HĐĐT.
Về chữ ký số, chữ ký điện tử của người bán-người mua, dự thảo thông tư quy định, trên HĐĐT không nhất thiết phải có chữ ký điện tử của người mua, trừ trường hợp có thỏa thuận riêng giữa người bán và người mua. Thời điểm lập HĐĐT được xác định là thời điểm người bán ký số, ký điện tử trên hóa đơn và phù hợp với thời điểm lập HĐĐT.
Ngoài ra, doanh nghiệp, tổ chức, hộ, cá nhân kinh doanh có thể tạo thêm thông tin về biểu trưng hay logo để thể hiện nhãn hiệu, thương hiệu hay hình ảnh đại diện của người bán. Đối với hoá đơn giá trị gia tăng kiêm tờ khai hoàn thuế, thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.
Bên cạnh đó, dự thảo thông tư quy định 9 trường hợp rủi ro cao về thuế phải sử dụng HĐĐT có mã của cơ quan thuế trong 12 tháng hoạt động liên tục (9 trường hợp này tương tự các trường hợp rủi ro cao về thuế, thuộc diện mua hóa đơn của cơ quan thuế quy định tại Thông tư số 39/2014/TT-BTC).
Dự thảo quy định, cơ quan Thuế quản lý trực tiếp có trách nhiệm công khai các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế thuộc loại rủi ro cao trên trang thông tin điện tử của cục thuế, Tổng cục Thuế. Đồng thời, thông báo cho doanh nghiệp, tổ chức kinh tế thực hiện chuyển đổi để đăng ký sử dụng HĐĐT có mã của cơ quan thuế, chậm nhất 5 ngày trước khi tiếp tục sử dụng HĐĐT.
Sau 12 tháng, doanh nghiệp, tổ chức kinh tế thuộc trường hợp rủi ro, nếu được xác định không rủi ro và đáp ứng điều kiện sử dụng HĐĐT không có mã và có đề nghị thì sẽ được chuyển đổi sử dụng HĐĐT không có mã của cơ quan Thuế.