Ngày 12/9/2018, Chính phủ ban hành Nghị định số 119/2018/NĐ-CP hướng dẫn quản lý, sử dụng hoá đơn điện tử. Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) trong sử dụng hóa đơn khi bán hàng, cung cấp dịch vụ, Nghị định 119 đã đưa ra lộ trình chuyển đổi từ việc sử dụng hóa đơn tự in, hóa đơn giấy sang hóa đơn điện tử trong vòng 24 tháng. Theo đó, chậm nhất là ngày 1/11/2020 các DN phải hoàn thành việc chuyển đổi sử dụng từ hóa đơn tự in, hóa đơn giấy sang hóa đơn điện tử.

 

TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

Theo TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), áp dụng hóa đơn điện tử là xu thế tất yếu khi DN triển khai chuyển đổi số. DN cũng không lo tình trạng bị thất lạc hóa đơn trong khi chờ chuyển phát. Sử dụng hóa đơn điện tử giúp DN giảm chi phí hơn so với sử dụng hóa đơn giấy như: Chi phí giấy in, mực in, chi phí chuyển hóa đơn cho khách hàng và đặc biệt là giảm chi phí lưu trữ hóa đơn. Đồng thời, DN cũng giảm thời gian tìm kiếm hóa đơn, tăng cường khả năng bảo mật; giúp việc lưu trữ, quản lý hóa đơn vĩnh viễn; không có rủi ro mất, nhàu nát như khi lưu trữ hóa đơn giấy... 

Bên cạnh đó, việc sử dụng hóa đơn điện tử giúp DN giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính thuế. Khi DN sử dụng hóa đơn điện tử, về cơ bản, các thủ tục hành chính thuế của DN cũng được thực hiện điện tử. Theo đó, DN chỉ cần thông báo qua mạng gửi đến cơ quan thuế về việc sử dụng hóa đơn điện tử và được sử dụng ngay sau khi thông báo được chấp nhận. 

Cùng với đó, DN không phải đăng ký mẫu hóa đơn điện tử, không phải gửi báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn đến cơ quan thuế do phần mềm tạo hóa đơn điện tử cho phép tự xác định số lượng hóa đơn điện tử sử dụng. 

Đối với các cơ quan quản lý, đặc biệt là đại diện cơ quan quản lý thuế, việc sử dụng hóa đơn điện tử cũng giúp cơ quan thuế kịp thời ngăn chặn hóa đơn của các DN bỏ trốn, mất tích, khắc phục tình trạng làm giả hóa đơn, tạo một môi trường kinh doanh lành mạnh cho các DN, thúc đẩy thương mại điện tử phát triển. Đồng thời, sử dụng hóa đơn điện tử góp phần bảo vệ môi trường, khắc phục được trình trạng gian lận sử dụng bất hợp pháp hóa đơn - lập hóa đơn sai lệch nội dung giữa các liên.

  Áp dụng hóa đơn điện tử rất cần một hạ tầng kỹ thuật tốt, tuy nhiên không phải DN nào cũng sẵn sàng đáp ứng được yêu cầu về mặt hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin - viễn thông.  

Tuy nhiên, hiện tại chi phí áp dụng hóa đơn điện tử vẫn cao hơn nhiều so với việc DN tự in hóa đơn, đó là lý do đầu tiên DN không lựa chọn. Ông Lộc cho biết, việc áp dụng hóa đơn điện tử rất cần một hạ tầng kỹ thuật tốt, tuy nhiên không phải DN nào cũng sẵn sàng đáp ứng được yêu cầu về mặt hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin - viễn thông.

Hiện thói quen sử dụng tiền mặt của người dân Việt Nam cũng là nguyên nhân dẫn tới hóa đơn điện tử “chậm” được áp dụng và triển khai trên quy mô lớn.

Theo đó, để có đủ điều kiện sử dụng hóa đơn điện tử, một trong những điều kiện mà các DN phải có chính là hệ thống máy móc và trang thiết bị đảm bảo cho việc vận hành và sử dụng hóa đơn này. Ngoài ra, còn phải có một hệ thống nhân lực với trình độ cao để có thể sử dụng hóa đơn điện tử. Đó là chưa kể sự phụ thuộc hoàn toàn vào máy móc khi có sự cố mất điện hay hệ thống bị lỗi, hoặc mất tín hiệu internet thì các DN sẽ gặp vấn đề với loại hình hóa đơn này. Điều đó có nguy cơ dẫn tới việc chậm trễ trong việc xuất hàng hóa và ảnh hưởng tới công việc kinh doanh của các DN.

Ngoài ra, theo quy định của Luật Giao dịch điện tử, điều kiện để thực hiện giao dịch điện tử khắt khe và phức tạp hơn nên việc triển khai chậm hơn. Hóa đơn điện tử chạy bằng phần mềm phải có chứng thư kĩ thuật số, hạ tầng ngành viễn thông cũng như các điều kiện khác từ phía DN, như phải kết nối cơ quan thuế và cơ quan liên quan thì mới có thể sử dụng hóa đơn điện tử.

Mặc dù có nhiều lợi ích khi sử dụng hình thức hóa đơn điện tử nhưng những bất cập được các DN đưa ra cũng là điều mà cơ quan chức năng cần xem xét để có hướng giải quyết phù hợp, giúp việc sử dụng hóa đơn điện tử trở thành một giải pháp tốt nhất cho hoạt động kinh doanh của DN trong thời kỳ số hóa.

“Đề nghị Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế cần đẩy mạnh tuyên truyền về hành lang pháp lý và lợi ích của việc phát hành hóa đơn điện tử, để các DN hiểu rõ được những lợi ích của việc sử dụng hóa đơn điện tử và triển khai thực hiện sớm loại hình dịch vụ này”, TS Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh. 

0918 501 776